Tìm sếp tốt quan trọng đến như thế nào (p2)
Làm với sếp mát tính, bạn được nhiều thứ: thoải mái về thời gian, tiền lương thưởng được chia đều, mọi cuộc bình xét chỉ mang tính hình thức vì sếp không muốn mất lòng ai.
Nhiều người nói vui rằng, chọn sếp quan trọng như các bạn gái chọn chồng, nhất là đối với những bạn trẻ mới ra trường. Phụ nữ lấy phải chồng không tốt coi như khổ cả đời, lấy được chồng tốt cuộc sống sẽ an ổn, hạnh phúc.
Năng lực sát phạt
Cách đây ba năm, tôi làm việc cho một công ty công nghệ hàng đầu ở Việt Nam. Và rồi tôi đã hiểu vì sao công ty này vẫn vươn lên mạnh mẽ, bất chấp khủng hoảng kinh tế. Vào thời điểm kinh tế khó khăn, doanh thu công ty và thu nhập của nhân viên vẫn tăng trưởng tốt. Bí quyết nằm ở chiến lược cũng như cách dụng nhân, đặc biệt là năng lực “sát phạt” của các nhà lãnh đạo.
Người ta thường ví chuyện sa thải nhân viên ở các doanh nghiệp lớn không khác gì “vắt chanh bỏ vỏ”. Nhưng thử hỏi nếu là sếp mà không mạnh tay, làm việc cảm tính như nhiều doanh nghiệp nhà nước liệu công ty có thể tồn tại và phát triển lâu dài?
Chị Trần Hà Huyền, trưởng ban truyền thông của một công ty lớn ở Hà Nội cho biết, chị vừa cho hai nhân viên của mình nghỉ việc và lên kế hoạch tuyển mới. Những nhân viên này từng làm rất được việc, thậm chí có lúc sếp quên họ còn nhắc việc cho chị. Tuy nhiên, thời gian gần đây họ làm việc chểnh mảng, hay rủ nhau đi mua sắm trong giờ làm và có những biểu hiện chống đối sếp. Nhắc nhở không được, chị buộc phải sa thải vì lợi ích chung của công ty.
Một giám đốc giấu tên ở TP.HCM cũng cho biết, anh vừa cho anh vợ của mình nghỉ việc vì lối làm việc tắc trách của người này. “Khi công ty làm việc trôi chảy, một mắt xích bị vướng thôi cũng kéo theo những hệ luỵ khó lường. Nếu anh ấy chỉ ảnh hưởng đến mình còn được, đằng này hàng trăm con người bị ảnh hưởng thì không thể chấp nhận được. Đối với sự phát triển của một doanh nghiệp, con người là yếu tố cốt lõi và quyết định. Công tư phân minh mới mong doanh nghiệp trường tồn. Điều này mình học được ở các doanh nghiệp nước ngoài”.
Cũng bàn về chuyện “vắt chanh bỏ vỏ”, anh Nguyễn Thanh Tiến, tư vấn bán hàng tại Hyundai Bến Thành (TP.HCM) rất tâm đắc với câu chuyện của doanh nhân Lâm Minh Chánh (người có 18 năm kinh nghiệm làm quản lý và 6 năm điều hành doanh nghiệp). Một lần anh Chánh có buổi nói chuyện với hàng trăm giám đốc và các nhà quản lý của một công ty bảo hiểm nhân thọ. Họ than phiền rằng công ty áp dụng chính sách “vắt chanh bỏ vỏ” gây bức xúc trong nhân viên. Theo đó, nhiều người trước đây làm tốt công việc của mình nhưng bây giờ không làm tốt nữa có khả năng bị giáng chức hoặc giảm thu nhập.
Anh Chánh cho rằng, mọi người không nên suy nghĩ tiêu cực, mà hãy nghĩ thực tế. Chanh để cho nước, đương nhiên vắt chanh rồi thì vỏ phải bỏ. Vấn đề ở chỗ chúng ta phải luôn có nước, nếu doanh nghiệp vắt xong lại có nước thì ai bỏ được vỏ.
Khi làm việc trong quá khứ, bạn đã được tán dương, được trả tiền rồi thì bây giờ bạn không thể dùng quá khứ để yêu cầu công ty phải tiếp tục ưu đãi cho bạn, ngay cả khi bạn không làm được gì. Khi nghe được những lời lẽ đầy thuyết phục này, mọi người làm việc hứng khởi và cho kết quả cao hơn.
Như vậy, tìm một người sếp có quan điểm “vắt chanh bỏ vỏ” cũng rất lợi lạc, vì họ sẽ sát sao với công việc bạn làm và đưa ra những đường hướng giúp bạn làm tốt. Chẳng may bạn cố mãi không được, nhiều khả năng đây không phải là công việc mà bạn kiếm tìm. Bạn có thể mang thứ “nước chanh” của mình cống hiến cho những nơi phù hợp, chứ không phải ngồi đó mà than vãn.
Sếp khó ưa cũng là một lựa chọn
Đi làm công sở gặp được sếp “dễ thương”, sống gần gũi, tình cảm thì ai cũng thích rồi, nhất là sếp lại hiếm khi cằn nhằn về công việc bạn làm, bất kể việc bạn làm chểnh mảng, không đúng hạn và không đạt yêu cầu.
Làm với sếp mát tính, bạn được nhiều thứ: thoải mái về thời gian, tiền lương thưởng được chia đều, mọi cuộc bình xét chỉ mang tính hình thức vì sếp không muốn mất lòng ai. Cuộc sống “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” thật dễ chịu, cho đến một ngày bạn nhận ra: Ôi thôi, mình mất hết thời gian và nghị lực!
Theo ông Đỗ Hoà, cựu Giám đốc Marketing Asia-Pacific, làm việc với những vị sếp khó tính mới là động lực để bạn phát triển bản thân tốt nhất. Khi bạn chưa hoàn thành công việc, sếp của bạn có thể cằn nhằn, khó chịu, thậm chí ra những “tối hậu thư” khiến bạn cảm thấy rất bất an. Điều duy nhất bạn có thể làm lúc đó là cố hết sức để đạt được.
Khi bạn làm tốt đề bài được giao, sếp thậm chí còn tỏ ra không hài lòng, mà kèm theo đó là những lời động viên, lên tinh thần để bạn làm tốt hơn nữa. Theo thời gian, bạn trở nên chuyên nghiệp và có thể thích ứng với nhiều môi trường làm việc khác nhau.
Nếu bạn đang cảm thấy công việc của mình nhàm chán, có khả năng bạn nên tìm đến một vị sếp khó ưa. Họ sẽ thúc bạn làm việc, khi đó bạn không còn thì giờ cho những nỗi buồn chán lên ngôi. Sẽ có lúc bạn thấy ghét vị sếp khó ưa đó, nhưng lối sống, lối làm việc này giúp bạn trở thành một con người hoàn toàn khác. Đó là những tố chất cần có cho người thành công.
Leave a Reply